Kỳ thi Quốc gia 2015: Có thể sẽ cồng kềnh hơn

ANTĐ – Bộ GD và ĐT đã công bố phương án Kỳ thi THPT quốc gia với chỉ  một kỳ thi. Việc thay đổi, cải tiến thi cử được công bố sớm, ngay từ đầu năm học cho thấy sự tiến bộ, trách nhiệm cao từ Bộ GD-ĐT, giảm bớt được những lo lắng từ phụ huynh, học sinh, nhà trường. Giải pháp 2 kỳ thi thành 1, nếu được tổ chức, thực hiện thành công sẽ đem lại lợi ích to lớn về nhiều mặt cho học sinh, phụ huynh, Nhà nước và ngành giáo dục nước nhà. Tuy nhiên vì đây là kỳ thi đầu tiên nên đối với tất cả các trường phổ thông lẫn các trường ĐH, CĐ, các em học sinh và giáo viên vẫn còn những băn khoăn lo lắng. Báo An ninh Thủ đô cuối tuần xin nêu những ý kiến đóng góp.


GS Văn Như Cương: Sẽ có rất nhiều kỳ thi “bổ sung”

Dẫu cho phương án nào cũng phải có các quy định rất cụ thể sau đây: Thứ nhất là đạt bao nhiêu điểm trở lên thì được cấp bằng tốt nghiệp; cộng điểm ưu tiên; điểm liệt… Thứ hai là điểm của kì thi quốc gia có trọng số bao nhiêu trong tổng số điểm xét tuyển vào ĐH? Thêm vào đó sau kì thi quốc gia sẽ còn rất nhiều kì thi “bổ sung” và tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều khi tổ chức một kì thi “3 chung”. Nhiều người không tin vào sự nghiêm chỉnh của kì thi Quốc gia nếu được tổ chức ở các địa phương. Điều đó đúng bởi vì kì thi này vốn có “truyền thống” dễ dãi, nhiều tiêu cực. Tôi cũng không tin rằng huy động tất cả các thầy giáo ĐH tham gia vào việc coi thi thì tình hình sẽ tốt hơn. Có lẽ Bộ GD&ĐT cần có những đột phá mạnh mẽ trong việc tổ chức thi ở địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội: Vẫn lo lắng vì chất lượng thi chung

Lâu nay, thi tuyển sinh, trường nào coi thi, chấm thi thì đều là để tuyển chọn chính thí sinh vào học tại trường mình. Được đánh giá trực tiếp người vào trường mình thì bao giờ cũng yên tâm hơn. Vì vậy trường nào cũng gắng làm nghiêm túc tuyệt đối. Nay tổ chức thi chung, rất có thể thí sinh của mình, vào học trường mình lại do trường khác đảm nhiệm với sự coi thi, chấm thi lỏng chặt khác nhau nên không khỏi có cảm giác lo lắng. ĐH Y là trường có sự cạnh tranh cao trong nhiều năm với điểm thi bao giờ cũng là cao nhất nên cần một sự tuyển chọn đặc biệt, một sự sàng lọc chính xác và khách quan. Do đó chắc chắn là trường ĐH Y khoa Hà Nội phải có thêm một kỳ thi kiểm tra sau khi thi quốc gia để đảm bảo sự công bằng cho thí sinh và sự an toàn cho việc chọn người học.

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Việc gộp 2 kỳ thi không giải quyết được tiêu cực

Tôi đồng tình với chủ trương này nhưng cũng muốn cảnh báo trước không nên nghĩ rằng gộp 2 kỳ thi làm một sẽ giải quyết được 2 vướng mắc lớn hiện nay là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông còn nhiều tiêu cực, không đánh giá được chính xác kết quả học tập của học sinh và tổ chức 2 kỳ thi riêng rẽ rất cồng kềnh, tốn kém. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các tỉnh vẫn 80-90%. Việc gộp 2 kỳ thi thành 1 kỳ thi quốc gia tự thân nó không giải quyết được những hiện tượng tiêu cực hay bệnh thành tích ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hiện nay. Kỳ thi “2 trong 1” cũng không giải quyết được chuyện cồng kềnh, tốn kém. Kết quả của kỳ thi quốc gia này chỉ là căn cứ để các trường ĐH,CĐ tuyển sinh. Các trường có quyền tổ chức thêm một kỳ thi riêng, nếu cần thiết. Cồng kềnh vẫn cồng kềnh, tốn kém có thể hơn vì nếu thí sinh muốn thi nhiều trường thì sau kỳ thi quốc gia có thể còn phải dự 2-3 kỳ tuyển sinh riêng của các trường ĐH,CĐ. Để giảm bớt cồng kềnh, tốn kém do có nhiều kỳ sát hạch riêng của các trường ĐH, CĐ, theo tôi, nên khuyến khích các trường tổ chức thành cụm thi để thí sinh khỏi phải thi nhiều lần ở nhiều trường. Theo tôi, mô hình tuyển sinh ở Pháp cũng là một mô hình đáng quan tâm. Các trường ĐH trọng điểm (grandes écoles) tự tổ chức thi tuyển, vào được những trường này rất khó, nhưng sinh viên tốt nghiệp có cơ hội việc làm rất tốt. Còn các trường ĐH khác (univerrsités) thì chỉ xét tuyển, nói cho đúng là học sinh nào đã tốt nghiệp trung học đều có thể ghi danh vào học. Tuy nhiên ở cả 2 loại hình, tính sàng lọc đều rất cao. Không có chuyện vào trường 100 ra cũng 100 như ở ta. Tối đa ở 100 “anh” vào chỉ khoảng 40 đến 50 “anh” được cái bằng thôi. Cái mình học được ở cách tuyển sinh của Pháp là tạo điều kiện cho các trường chủ động tuyển sinh. Trường tự quyết định phương thức tuyển, số lượng chỉ tiêu dựa trên những tiêu chí do Bộ GD-ĐT quy định, nếu làm sai thì bị xử lí nghiêm.



Hai lần tốn kém

Gia đình tôi quê ở Cao Bằng. Khi đưa con em đi thi ở cụm thi Thái Nguyên hay Tây Bắc gì đó  thì cũng phải mất chi phí đi lại, ăn ở cho thí sinh và người nhà. Sau khi có kết quả các trường ĐH không công nhận họ tổ chức thi tuyển riêng, con tôi lại phải khăn gói xuống Hà Nội để thi, tốn kém lần hai. Những trường tuyển sinh riêng liệu có mở ra hàng loạt trung tâm, lò luyện không?

Phụ huynh Nguyễn Hồng Hạnh – Trùng Khánh,Cao Bằng

Chúng em chưa biết ôn luyện như thế nào

Em dự định thi khối A nhưng với kỳ thi 2 trong 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì em gặp khó khăn nhất là môn Văn và môn Ngoại ngữ. Em chưa biết với cách thức mới này thì hình thức ra đề các môn sẽ như thế nào. Em nghĩ lẽ ra với phương án thi này Bộ GD và ĐT nên bắt đầu áp dụng với học sinh từ lớp 10 chứ bây giờ mới công bố và áp dụng thì thời gian quá gấp gáp, tháng 6 đã thi rồi, tức là chỉ còn khoảng 8 tháng nữa, nên chúng em khá lo lắng. Thêm vào đó, chúng em cũng lo lắng là các trường top cao sẽ tập trung nhiều hồ sơ đăng ký tuyển sinh, như vậy tính cạnh tranh sẽ tăng cao. Trước đây cô giáo thường luyện đề thi đại học theo đề các năm trước, giờ đổi mới hình thức thi thì không biết cách thức ra đề sẽ như thế nào. Các trường top cao cũng sẽ tổ chức thêm một kỳ thi riêng. Vậy liệu chúng em có qua được kỳ thi riêng đó hay không, trong khi chưa biết thi riêng là thi gì, thi như thế nào. Vì vậy chúng em cảm thấy rất lo lắng và lúng túng.

Nguyễn Hoài Anh, Học sinh trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nộ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0966046981