Quy định về dạy thêm học thêm Tp.HCM sẽ hạn chế tiêu cực?

Theo quy định Sở Giáo dục Tp.HCM giáo viên hoặc những người dạy kèm cho học sinh theo yêu cầu của cha mẹ học sinh được miễn cấp giấy phép dạy thêm nhưng phải báo cáo bằng văn bản với thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Nên cấm dạy thêm với học sinh tiểu học

Sở GD-ĐT TPHCM vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện về quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT) theo Quyết định số 21/2014 của UBND TPHCM. Theo đó, giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập, không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường, có thể tham gia dạy thêm tại những cơ sở đã được cấp phép hoạt động; không được dạy thêm đối với học sinh mà mình đang dạy chính khóa khi chưa được thủ trưởng cơ quan cho phép.

Theo quy định, Sở GD-ĐT TPHCM có trách nhiệm quản lý, cấp giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức DTHT có nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông (THPT) hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là THPT. Phòng GD-ĐT quận, huyện quản lý và cấp giấy phép theo ủy quyền của UBND quận, huyện đối với các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường trên địa bàn quận (huyện) có nội dung thuộc chương trình THCS hoặc thuộc nhiều chương trình nhưng có chương trình cao nhất là THCS. Đối tượng không được dạy thêm là trẻ em trước khi vào lớp 1, học sinh tiểu học, học sinh THCS, THPT đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Giáo viên hoặc những người dạy kèm cho học sinh theo yêu cầu của cha mẹ học sinh được miễn cấp giấy phép dạy thêm nhưng phải báo cáo bằng văn bản với thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Đồng thời, phải báo cáo và cam kết với UBND phường, xã, thị trấn nơi đặt điểm dạy kèm, thực hiện các quy định về DTHT ngoài nhà trường…

Khảo sát thực tế cho thấy, 80% học sinh các cấp đều học thêm ngoài nhà trường. Riêng học sinh tiểu học thì có đến 90% học thêm với chính giáo viên chủ nhiệm dạy chính khóa tại nhà riêng và các điểm thuê nhỏ lẻ ở các con hẻm. Như thế, làm sao hiệu trưởng kiểm soát và “thổi còi” nếu giáo viên đó không đăng ký với hiệu trưởng hoặc có biểu hiện cắt xén chương trình, ép học thêm…?

“Với quy định không chấm điểm đối học sinh tiểu học thì nên cấm hoàn toàn việc dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh bậc tiểu học. Tuy nhiên để đảm bảo đời sống thu nhập cho giáo viên tiểu học thì phải tính đến lộ trình tăng lương để họ yên tâm giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo” – là ý kiến của một số chuyên gia,  nhà quản lý giáo dục.

Vai trò kiểm soát của hiệu trưởng

Việc quản lý, kiểm soát giáo viên có cắt xén chương trình hoặc ép học sinh học thêm hay không thuộc về ban giám hiệu nhà trường. Nơi nào ban giám hiệu lơ là và người thầy thiếu trách nhiệm thì ở đó giờ chính khóa chỉ dạy qua quít, chiếu lệ và học sinh muốn hiểu sâu, thấm kỹ thì phải học thêm với thầy. Một hiệu trưởng thẳng thắn nói: “Nếu học sinh, phụ huynh không phản ánh về những hiện tượng tiêu cực, ép học thêm hoặc trù dập vì không học thêm thì nhà trường không thể biết được sự thật. Vì thế, học sinh, phụ huynh phải dũng cảm tố giác những thầy cô thiếu công tâm, lôi kéo học sinh học thêm không đúng với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp”.

Cùng chung nhận định này, thầy Lương Ngọc Duy, Hiệu trưởng Trường THPT Diên Hồng (quận 10), bộc bạch: “Nếu giáo viên dạy học bằng trách nhiệm, bám sát chương trình, chuẩn kiến thức và dành tâm huyết cho bài giảng thì học sinh sẽ hiểu bài, không cần học thêm. Hơn nữa, học sinh đánh giá, nhận xét về thầy cô đúng nhất và ai dạy hay, dễ hiểu, các em đều cảm nhận được ngay”.

Theo cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1), ngay từ đầu năm, nhà trường đã yêu cầu giáo viên đăng ký, báo cáo về hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường và cam kết không được ép học sinh học thêm. Tương tự, cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cũng cho rằng, khi giáo viên đăng ký với nhà trường việc dạy thêm chính học trò của mình thì trường dễ quản lý, kể cả xử lý nếu phụ huynh, học sinh phản ánh hiện tượng tiêu cực xảy ra.

DTHT là nhu cầu có thật của xã hội và hoạt động này đã và đang phát triển với quy mô ngày một lớn. Xung quanh vấn nạn DTHT tràn lan có nhiều điều phải bàn, và trong khi chờ đợi nền giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện, thì việc chấn chỉnh, quản lý để hoạt động này diễn ra lành mạnh là việc cấp thiết.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0966046981