Chàng trai mồ côi cha trở thành thủ khoa khối A

Ông nuôi, bà dậy

Chúng tôi tìm về thôn Lưu Đông, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội nơi mà Nam sinh ra và lớn lên. Căn nhà cũ với nhiều vết nứt kéo dài phải che bằng tấm bạt là nơi mà gia đình chàng thủ khoa nghèo sinh sống. Cả căn nhà chỉ rộng có 36m2, ông bà nội và 3 người cháu cứ thế sống chật chội qua ngày.

Trong nhà ngoài chiếc ti vi cũ kĩ ra, thì thứ tài sản quý giá nhất của ba chị em Nam là những chồng sách xếp cao và những tấm giấy khen treo khắp nhà.

Ông Nguyễn Ngọc Giao (sinh năm 1945) – ông nội của Nam cười hiền từ bảo: “Nhà nghèo nhưng chúng nó đứa nào cũng chăm ngoan, học giỏi. Mới năm nào con bé Dung (Nguyễn Thị Hương Dung-chị gái Nam) thi đỗ vào Trường ĐH Kiến trúc HN, nay tới thằng Hòa (Nguyễn Ngọc Hòa – người anh sinh đôi với Nam) và bây giờ là thằng Nam.

Chàng trai Nguyễn Phương Nam thủ khoa khối A Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH QGHN) với 27,5 điểm.

Vì gia cảnh quá nghèo nên bố của Nam, là ông Nguyễn Tân Phương (sinh năm 1972) và vợ Trần Thị Cốm (sinh năm 1970) phải lang bạt khắp nơi từ Hà Đông đến tận Đăk Lăk để kiếm sống. Khi Nguyễn Thị Phương Dung, con gái đầu tiên của họ lên 3 tuổi được gửi về nhờ ông bà nội nuôi. Vài năm sau, Nam và người anh sinh đôi là Hòa cũng vừa lên 3 tuổi thì về ở với chị và ông bà.

Còn mẹ em, do làm ăn ở xa, đi lại vất vả nên mỗi năm cũng chỉ về nhà thăm con được 1-2 lần. Khó khăn chồng chất khó khăn, khi năm 2009, chú Phương đột ngột ra đi vì bệnh ung thư vòm họng. Cô Cốm dù thương con nhưng vì nợ nần nhiều quá, vẫn chưa thể về được.

Suốt 16 năm qua, 3 chị em Nam lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của mẹ cha. Những kỷ niệm về cha mẹ đối với chị em Nam thì mơ hồ lắm, chỉ là những lần vội vàng về thăm hay những cuộc điện thoại hỏi thăm, động viên ngắn ngủi. Có lẽ vì thế, mà mấy chị em được mọi người nhận xét là trầm tính, bao giờ gương mặt các em cũng mang một nỗi buồn trĩu nặng.

Mong được thành người có ích

Ông Giao, bà Tân tằn tiện từng đồng nuôi các cháu. Bữa cơm rau cháo qua ngày, “Khổ! Nhiều hôm trái gió trở trời, bà bị tụt huyết áp, tôi đau yếu nhưng vẫn gắng gượng chăm sóc các cháu”- ông Giao nghẹn ngào tâm sự.

Ông Giao nhớ lại: “Ngày thằng Nam, Hoa còn nhỏ, tôi phải hàn nối dài chỗ ngồi đằng sau xe đạp để chở các cháu đi học”. Lớn hơn hai anh em lại dùng chiếc xe ấy đèo nhau đến trường. Nhà cách trường gần 7km, bữa trưa hai anh em ăn cơm nắm muối vừng do bà nội đã chuẩn bị từ tối hôm trước.

“Được cái mấy đứa thương ông bà lắm, chẳng bao giờ đòi hỏi một thứ gì. Quần áo, sách vở ai quý, ai thương cho chúng nó đều nâng niu và giữ gìn cẩn thận”-ông Giao cho biết.

Nam thích toán, mơ ước sau này có thể trở thành một giáo viên truyền thụ kiến thức cho trò như ông bà nội từng làm nên thi vào ngành toán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội.

Còn  Hòa thích làm kiến trúc sư nên thi khối A vào Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội. Hai em cũng đã tính tới việc thi vào hệ quân sự của Học viện quân y để được nhà nước nuôi cho ông bà đỡ khổ nhưng vì mắt cận quá nên chỉ đăng ký thi vào hệ dân sự của trường.

“Chúng em chọn trường như vậy cũng để sau đỗ ĐH thì chị em ở gần nhau, dễ bề chăm sóc nhau. Vào đại học em sẽ cố gắng đi gia sư kiếm thêm tiền phụ giúp ông bà” – Nam chia sẻ.

Nam và Hòa đều là học sinh giỏi của lớp 12A1, Trường THPT Đồng Quan. Nam là em út nhưng lực học khá hơn anh chị. Ở lớp em cũng là lớp phó học tập. Năm lớp 9 và lớp 12 em đi thi học sinh giỏi thành phố đều đạt giải Nhì.

Bà Tân vẫn còn nhớ: “Bố cháu mất được một tuần thì cháu chuẩn bị đi thi học sinh giỏi lớp 9. Gia đình động viên mãi cháu mới nỗ lực đi thi và đạt giải cao”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0966046981