Trên đây là quan điểm của GS. Hồ Ngọc Đại, giám đốc Trung tâm nghiên cứu công nghệ giáo dục, khi ông chia sẻ về việc triển khai áp dụng công nghệ giáo dục trong mỗi nhà trường tiểu học thời gian qua.
GS. Hồ Ngọc Đại cho rằng, trẻ con phải là nhân vật trung tâm, là nhân vật quyết định tất cả sự nghiệp giáo dục. Để hiểu rõ hơn về công nghệ giáo dục tiểu học, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư bên lề Hội thảo “Giải pháp Công nghệ giáo dục bậc Tiểu học” diễn ra ngày 15/6 tại Trường Tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội.
Thay đổi vì lợi ích của trẻ con
PV: Thưa giáo sư, xuất phát từ đâu giáo sư và các cộng sự cho ra đời sản phẩm công nghệ giáo dục?
GS. Hồ Ngọc Đại: Trẻ con hiện đại là con đẻ của thời đại, còn tất cả bố mẹ, ông bà, cụ kỵ thuộc về đời cũ. Trước đây ông cụ nó có gì thì ông nội nó có thế ấy, ông nội có gì thì bố nó có thế ấy, bố có gì thì nó có thế ấy, nhưng bây giờ có những cái bố nó không thể có được, ông nội nó càng không thể có được.
GS. Hồ Ngọc Đại: Bản chất của công nghệ giáo dục là tổ chức và kiểm soát quá trình dạy học bằng một Quy trình kỹ thuật được xử lý bằng giải pháp nghiệp vụ sư phạm. Ảnh Xuân Trung |
Thời đại bây giờ là lấy trẻ con làm chuẩn, làm lý tưởng, cách sống của ngành giáo dục. Trẻ con luôn luôn đúng, đúng ở đây cả về triết học và thực tiễn, trẻ con là con đẻ của thời đại nên tiếp cận với thời đại rất thản nhiên, bình thường.
Trẻ con nghịch một chiếc điện thoại hiện đại chỉ một lúc là biết, nhưng bố nó loay hoay, ông bà nó càng loay hoay, cụ nó càng hoảng sợ.
Trong nhà trường cũng như vậy, trẻ con tiếp cận những cái hiện đại hoàn toàn bình thường nhưng cô giáo rất vất vả, kêu khó, nặng nề. Với công nghệ giáo dục này tôi bắt cô giáo phải thay đổi vì lợi ích của trẻ con, lợi ích của trẻ con là lợi ích của từng gia đình, của cả đất nước.
Tôi có tham gia lớp tập huấn cho giáo viên của một huyện gần đây, hôm đó cả Thường vụ huyện đến nghe, sau đó tôi có nói với họ: “Nếu các anh làm nghiêm theo tôi trong 3 năm đầu, trong 3 năm đó phải thật nghiêm trong năm đầu tiên, trong năm đầu tiên phải thật nghiêm trong tháng đầu tiên, thì đến năm 2030 chúng ta sẽ có một dân tộc khác, huyện này sẽ có một dân tộc khác”.
Một xã hội hiện đại là xã hội chuyên nghiệp, khen ai cũng là khen tính chuyên nghiệp, chê ai là chê không chuyên nghiệp, đây là lời chê nặng nề trong xã hội hiện đại.
Khi áp dụng công nghệ giáo dục ở các địa phương tôi vẫn thường cấm các thầy cô sáng kiến, bởi những sáng kiến từ xưa đã lỗi thời, giờ áp dụng công nghệ giáo dục này cứ thế mà làm. Do đó nếu học sinh chê công nghệ giáo dục tôi mới sợ, thầy giáo chê, lãnh đạo chê tôi không sợ.
Ngay từ thời gian đầu khi đưa toán, tiếng Việt về dạy ở các vùng thử nghiệm công nghệ giáo dục giáo viên thường kêu khó, khó vì họ không có chuyên môn, đó là những người tay ngang, các truyền thống đã đè nặng lên họ. Do đó trong xã hội hiện đại chỉ có duy nhất thầy giáo dạy được công nghệ giáo dục, do đó phải lo bồi dưỡng giáo viên, phải nâng cao giáo viên lên.
Trẻ con hiện đại là tầng lớp dân cư lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử, một xã hội hiện đại không thể theo một người.
Trẻ con có hai yêu cầu lớn nhất trong xã hội hiện đại: Thứ nhất là được yêu thương và thứ nữa là nhu cầu được tôn trọng. Do đó chúng ta hãy trân trọng thứ trong sáng đó của trẻ con. Nếu chúng ta lấy trẻ con là tiêu chuẩn cao nhất của cư xử thì chúng ta sẽ nghĩ khác, còn chúng ta lấy chúng ta là tiêu chuẩn cao nhất để cư xử thì đó là tai họa.
Giáo sư có thể cho biết trước khi việc áp dụng công nghệ giáo dục vào các trường tiểu học thì sự khác nhau về trình độ học sinh như thế nào?
GS. Hồ Ngọc Đại: Có một điều rất đơn giản nhưng cũng rất phức tạp, trước khi thực hiện học sinh đọc không đọc được và không viết được, hoặc biết đọc, biết viết nhưng sau lại quên.
Chúng ta dạy hiện nay là dạy bắt chước, bắt chước thế nào cho khéo nhất và như vậy như việc chúng ta dạy khỉ. Nhưng trẻ con lại khác, nguyên tắc của chúng tôi, trẻ con muốn có cái gì phải tự làm ra cái đó.
Vậy công nghệ giáo dục sẽ đề cao yếu tố nào thưa giáo sư?
GS. Hồ Ngọc Đại: Sẽ đề cao yếu tố, vai trò cá nhân. Ngày xưa với phương pháp cũ có thể dạy một lớp 30-40 em, nhưng bây giờ phải nói dạy 30-40 em trong một lớp. Trong xã hội hiện đại cá nhân nào cũng được tôn trọng.
Thầy là kẻ sai vặt của học sinh
Vai trò của người thầy trong việc áp dụng công nghệ giáo dục trong nhà trường sẽ như thế nào?
GS. Hồ Ngọc Đại: Ông thầy trong xã hội hiện đại không phải là ông thầy kiểu cũ, ông thầy cũ phân hóa ra hàng triệu ông thầy hiện đại.
Hiện nay có 3 bộ phận giáo viên. Thứ nhất là thiết kế, thứ hai là chuyển giao và thực thi. Giáo viên ở đây là người thực thi, thầy giáo hiện đại là một người lao động, sản xuất hiện đại có nghiệp vụ sư phạm. Thực chất ở đây thầy là kẻ sai vặt cho học trò.
Khi tham gia học với công nghệ giáo dục trẻ con các nơi đón nhận như thế nào?
GS. Hồ Ngọc Đại: Ở Lào Cai trẻ con học được 1 năm, có những nơi khó khăn nhất, bố mẹ các em không biết tiếng Kinh, cả tuổi trẻ các em không đến trường, nhưng 6 tuổi được đến trường, học 1 năm đã đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không thể tái mù.
Học hết lớp hai viết thành câu, học hết lớp ba không bao giờ viết sai câu. Trẻ con 6 tuổi nói sõi, 7 tuổi nói chuẩn, 8 tuổi nói rất hay. Nguyên tắc của vấn đề này, trẻ con muốn gì thì tự chúng phải làm ra, đây là nguyên tắc khó nhất, không áp đặt.
Năm 2030 sẽ có một dân tộc đầy tự tin?
Nhiều người lo ngại việc triển khai công nghệ giáo dục tại các trường vùng cao, vùng sâu sẽ khó khăn hơn các trường thành thị, giáo sư nghĩ sao?
GS. Hồ Ngọc Đại: Ngược lại, khó nhất khi áp dụng công nghệ giáo dục lại ở thành phố, vùng sâu vùng xa rất thuận lợi, vì thành phố không dạy thêm được, không dạy trước được.
GS. Hồ Ngọc Đại cho rằng, học để sống hạnh phúc trong cuộc sống thường ngày của cá nhân. Đi học là phương thức mỗi cá nhân tự khẳng định mình, vì hạnh phúc của chính mình. Ảnh Xuân Trung |
Tôi đã từng về một tỉnh có 12 huyện thì 11 huyện đều triển khai công nghệ giáo dục trong nhà trường, còn đúng một huyện thành thị không triển khai, vì sao? Sau này tôi hỏi ra mới rõ là “niêu cơm” đã bị đụng chạm, bởi phương pháp của công nghệ giáo dục là không học thêm, không học trước, không phụ đạo.
Gia đình sẽ đóng vai trò gì trong vấn đề áp dụng công nghệ giáo dục này?
GS. Hồ Ngọc Đại: Vai trò của gia đình là lo cho trẻ con ở nhà. Yêu thương con thật sự và tôn trọng con, nếu trẻ con không vừa ý mình trước hết vẫn phải tin trẻ con đúng. Do đó, muốn dạy trẻ con được trước hết phải chịu thua, lắng nghe trẻ con trước.
Khi áp dụng công nghệ này vào thì các bộ sách giáo khoa có cần thay đổi theo?
GS. Hồ Ngọc Đại: Phải thay đổi, bởi nguyên lý cấu tạo sách giáo khoa của chương trình công nghệ giáo dục đã khác, bản thân việc làm trong lớp học đã khác, nhiệm vụ của người thầy cũng sẽ khác. Trẻ con là nhân vật trung tâm, là nhân vật quyết định tất cả sự nghiệp giáo dục.
Chương trình này đã được áp dụng trên quy mô như thế nào, thưa giáo sư?
GS. Hồ Ngọc Đại: Hiện nay đã có hơn 40 tỉnh thực hiện, lúc đầu nhiều tỉnh ngại thực hiện.
Chương trình này được ấp dụng chủ yếu ở các vùng biên cương bởi đó là nơi khó khăn, bố mẹ các em đều không biết tiếng Kinh, có khi cả xã không biết tiếng Kinh.
Về đạo lý, phần lớn các vùng này là biên ải đất nước thì ít nhất mình phải đền bù cho họ những gì, con cái học 1 năm là đọc thông viết thạo, con người được biết chữ là hạnh phúc lắm.
Giáo sư mường tượng ra một thế hệ được áp dụng công nghệ giáo dục này sau mấy chục năm nữa sẽ như thế nào?
GS. Hồ Ngọc Đại: Tôi tính từ thế kỳ XIX, 100% trẻ con Việt Nam ở thế kỷ mới này sinh năm 2001 đến 2007 vào lớp 1 và 100% đó đến năm 2019 đi bầu cử, như vậy từ 2019 trở đi dân tộc Việt Nam là sản phẩm của giáo dục.
Nếu tới 2030 chúng ta làm triệt để chúng ta sẽ có một dân tộc khác, một dân tộc đầy tự tin, tự hào, đầy tự trọng và khi đã tự trọng thì không cần phải bắt chước ai, không cần ca ngợi ai và không ai có thể làm gì được.
Công nghệ giáo dục này đã được Bộ GD&DT phản hồi như thế nào thưa giáo sư?
GS. Hồ Ngọc Đại: Hiện tại Bộ GD&ĐT đã thừa nhận công khai đây được coi như một phương án chính thức, tức là địa phương nào muốn tiếp nhận sẽ tiếp nhận.
Trân trọng cảm ơn giáo sư.
Bản chất của công nghệ giáo dục là tổ chức và kiểm soát quá trình dạy học bằng một Quy trình kỹ thuật được xử lý bằng giải pháp nghiệp vụ sư phạm.
Quan điểm giáo dục theo công nghệ giáo dục: Học để sống hạnh phúc trong cuộc sống thường ngày của cá nhân. Đi học là phương thức mỗi cá nhân tự khẳng định mình, vì hạnh phúc của chính mình.
Nội dung giáo dục được thực hiện ở ba lĩnh vực: Khoa học, Nghệ thuật và Đạo đức. Mỗi lĩnh vực giáo dục đảm nhận một chức năng.
Các lĩnh vực giáo dục này được thiết kế thành các môn học, phân bố phù hợp với từng thời kỳ phát triển của trẻ.
Sư phạm phải làm gì được đấy, làm đâu chắc đấy. Trẻ con bây giờ khác hẳn ông cha, không thể dùng biện pháp dạy ông cha ngày xưa để dạy trẻ con bây giờ. Nhiều khi bố mẹ phàn nàn không dạy được con, đáng lẽ điều đó phải là mừng mới đúng. Tư duy dạy trẻ hiện nay vẫn là tư duy mẫu mực của ngày xưa, một xã hội hiện đại không ai phục tùng ai.