Việc tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ năm 2015 sẽ ra sao khi vẫn còn nhiều tranh luận về một kỳ thi quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.
Trả lời phỏng vấn của PV Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) đã cho biết những thông tin mới nhất về vấn đề này.
“Các trường được phép sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia và kết quả học tập, tốt nghiệp THPT của thí sinh để xét tuyển”
Vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất về việc sử dụng kết quả thi ở 2 cụm thi (do địa phương và do các trường ĐH chủ trì). Kết quả ở 2 cụm thi này không được sử dụng như nhau khi xét tuyển vào ĐH, CĐ, trong khi đây là một kỳ thi chung. Ông lý giải như thế nào về việc này?
Trong đề án một kỳ thi quốc gia, Bộ đã giải thích kỹ đây là kỳ thi nhằm 2 mục đích: xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu tin cậy để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh.
Luật Giáo dục ĐH quy định các trường được tự chủ trong công tác tuyển sinh, vì vậy việc sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia như thế nào là do các trường tự quyết định. Cho đến nay đã có rất nhiều trường gửi đề án tuyển sinh về Bộ để đăng ký tuyển sinh năm 2015.
Hầu hết các trường chọn phương án xét tuyển thí sinh từ kỳ thi quốc gia và các trường này cũng khẳng định rõ trong đề án là chỉ lấy kết quả của thí sinh thi ở các cụm thi do các trường ĐH chủ trì để xét tuyển chứ không dùng kết quả thi ở cụm thi do địa phương chủ trì. Vì vậy Bộ cần phải cung cấp thông tin rộng rãi để thí sinh lựa chọn cụm thi phù hợp với nguyện vọng.
Vậy tại sao thí sinh cụm thi ở địa phương lại không được dùng kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ như mục đích của kỳ thi?
Tổ chức cụm thi một cách linh hoạt
Tổ chức cụm thi một cách linh hoạtThứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết phương án của Bộ là vẫn tổ chức 2 loại cụm thi nhưng việc bố trí cụm thi như thế nào còn tùy vào tình hình thực tế ở các địa phương. Hiện Bộ đang lấy ý kiến của các địa phương rồi mới có số liệu cụ thể, nhưng trên tinh thần là tổ chức linh hoạt, không cứng nhắc.
Theo kế hoạch, tháng 3.2015 thí sinh sẽ đăng ký dự thi, trong đó nêu rõ nguyện vọng thi ở cụm thi nào. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ bàn với địa phương có phương án tổ chức thi phù hợp nhất. Cũng theo ông Ga, dự kiến khoảng đầu tháng 12.2014 Bộ sẽ ban hành quy chế mới tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ.
Bộ không có quy định cứng như vậy. Thực tế những thí sinh dự thi ở cụm thi địa phương vẫn có cơ hội xét tuyển vào những trường tuyển sinh riêng, không sử dụng hoàn toàn kết quả kỳ thi quốc gia. Tuy nhiên, cơ hội được xét tuyển của những thí sinh này sẽ rất hẹp do số lượng các trường tuyển sinh riêng ít. Hơn nữa, đối với những thí sinh chọn thi ở cụm địa phương do chỉ tham gia thi 4 môn để xét tốt nghiệp THPT nên sự lựa chọn nguyện vọng không được nhiều so với những thí sinh dự thi ở cụm do các trường ĐH chủ trì.
Như vậy các trường ĐH, CĐ được phép vừa dùng kết quả của cụm thi do các trường ĐH chủ trì vừa dùng kết quả của cụm thi địa phương để xét tuyển?
Đương nhiên là các trường được phép sử dụng kết quả của kỳ thi quốc gia và kết quả học tập, tốt nghiệp THPT của thí sinh để xét tuyển. Với những trường này cần phải có đề án tuyển sinh riêng như đã thực hiện năm 2014.
Trong đề án của các trường cần nêu rõ bao nhiêu chỉ tiêu dùng để xét tuyển thí sinh của kỳ thi quốc gia, bao nhiêu xét tuyển dựa trên kết quả học phổ thông của thí sinh và điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào.
Hiện nay, Bộ cũng đã nhận được khoảng hơn 50 đề án tuyển sinh riêng của các trường, trong đó đa số là trường CĐ. Hầu hết các trường này sử dụng kết quả thi của cả các thí sinh thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì và xét tuyển kết quả học tập phổ thông của thí sinh thi ở bất cứ cụm thi nào.
Sắp tới Bộ sẽ xem xét và công bố các đề án tuyển sinh riêng phù hợp để các trường triển khai từ năm 2015 và thí sinh biết để lựa chọn đăng ký dự thi.
Vũ Thơ (thực hiện)
Nguồn: thanhnien.com.vn